fbpx
Lac-noi-mac-tu-cung-nguyen-nhan-dau-hieu-va-cach-dieu-tri
Nguyen-dao-ngoc-thuyet

Bác sĩ Nguyễn Đào Ngọc Thuyết

Đã kiểm duyệt nội dung bài viết

Tốt nghiệp Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyên ngành y học cổ truyền 

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phổ biến ở nữ giới. Dù lành tính nhưng nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vậy dấu hiệu lạc nội mạc tử cung là gì? Nguyên nhân và cách điều trị như thế nào? Hãy cùng TIANYIAI tìm hiểu ngay nhé!

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng như thế nào?

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa phổ biến, cứ 10 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là có 01 người bị ảnh hưởng bởi tình trạng này. Đặc biệt thường gặp nhất ở phụ nữ 30 – 40 tuổi. 

Bình thường các tế bào nội mạc tử cung là tế bào lót trong lòng tử cung, chịu sự chi phối của các hormone sinh dục như estrogen và progesterone. Bệnh lý xảy ra khi các mô này phát triển ở những vị trí bất thường bên ngoài lòng tử cung như ở cơ tử cung, vòi trứng, buồng trứng, phúc mạc chậu, bàng quang, trực tràng, niệu quản,… Các mô này vẫn chịu ảnh hưởng bởi các nội tiết tố, gây ra hiện tượng xuất huyết (theo chu kỳ kinh nguyệt), viêm, tạo thành mô sẹo và tăng nguy cơ hiếm muộn.

Ai có nguy cơ mắc lạc nội mạc tử cung?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung bao gồm:

  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh.
  • Dậy thì sớm (trước 11 tuổi) hoặc mãn kinh muộn.
  • Phụ nữ chưa sinh con.
  • Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hớn 27 ngày.
  • Lượng máu trong thời kỳ hành kinh nhiều.
  • Có dị tật bẩm sinh làm tắc nghẽn dòng chảy trong lúc hành kinh.
  • Từng sử dụng thuốc Diethylstilbestrol để điều trị sảy thai (hiện thuốc này đã bị cấm).
  • Dáng người cao hoặc BMI thiếu cân.

Đọc thêm: Kinh nguyệt ra nhiều, máu kinh vón cục có nguy hiểm không?

Lạc nội mạc tử cung thường xảy ra ở đâu trên cơ thể?

Mô lạc nội mạc tử cung có thể xuất hiện ở các cơ quan khác như:

  • Buồng trứng.
  • Túi cùng trước và sau.
  • Dây chằng rộng.
  • Dây chằng tử cung.
  • Bàng quang.
  • Cơ tử cung.
  • Vòi Fallope.
  • Đại tràng, ruột thừa.

Đọc thêm: Viêm lộ tuyến cổ tử cung: Dấu hiệu 3 cấp độ, nguyên nhân và cách điều trị

Lac-noi-mac-tu-cung-thuong-xay-ra-o-dau-tren-co-the
Những vị trí có thể bị lạc nội mạc tử cung

Dấu hiệu nhận biết lạc nội mạc tử cung

Thông thường, lạc nội mạc tử cung sẽ âm thầm, không triệu chứng cho đến khi nó ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan xung quanh và chức năng sinh sản của phụ nữ. 

Theo ACOG (Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ), các triệu chứng thường khiến các chị em đi khám và phát hiện lạc nội mạc tử cung bao gồm:

  1. Đau vùng chậu mạn tính, đặc biệt là trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt.
  2. Giao hợp đau.
  3. Đau khi đi vệ sinh hoặc khi nhu động ruột thay đổi (kèm tiêu chảy hoặc táo bón).
  4. Đau khi đi tiểu (kèm tiểu khó).
  5. Xuất huyết âm đạo nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc xuất huyết âm đạo bất thường.
  6. Vô tình phát hiện khi đi khám do hiếm muộn hoặc khi phải làm một phẫu thuật khác ở vùng chậu.

Tuy nhiên chị em cần lưu ý là tùy vào tình trạng bệnh và sức khỏe mỗi người mà có thể gặp phải dấu hiệu khác nhau, và không phải lúc nào cũng xuất hiện tất cả các triệu chứng trên.

Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung là gì?

Dù nguyên nhân chính xác gây lạc nội mạc tử cung vẫn chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên, có một số yếu tố được xem là có thể tạo điều kiện cho bệnh này phát triển, cụ thể:

  1. Kinh nguyệt trào ngược: Máu kinh có chứa các tế bào nội mạc tử cung có thể trào ngược từ lòng tử cung qua ống dẫn trứng vào khoang phúc mạc chậu, từ đó bám vào các cơ quan trong ổ phúc mạc và phát triển. Đây là giả thuyết được ủng hộ nhiều nhất hiện nay.
  2. Yếu tố di truyền: Một số gene đang được đánh giá là có liên quan đến lạc nội mạc tử cung do sự di truyền từ mẹ.
  3. Các giả thuyết khác: Chẳng hạn như giả thuyết dị sản khoang cơ thể, giả thuyết lan truyền theo mạch máu và mạch bạch huyết, góp phần giải thích một số dạng lạc nội mạc tử cung.

Đọc thêm: Đa nang buồng trứng (PCOS): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không?

Câu trả lời là có. Mặc dù không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, nhưng lạc nội mạc tử cung nếu không được điều trị có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng, gây khó khăn trong việc thụ thai và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý khi chị em mắc chứng lạc nội mạc tử cung:

  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Cơn đau dai dẳng có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và sinh hoạt vợ chồng.
  • Gây thiếu máu: Rong kinh kéo dài hoặc chảy máu âm đạo giữa các chu kỳ kinh mà chị em không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, có thể gây ra mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu,…
  • Gây vô sinh: Lạc nội mạc tử cung có thể gây ra vô sinh do ảnh hưởng cấu trúc giải phẫu của cơ quan sinh sản cũng như làm rối loạn nội tiết tố của chị em.
  • Nguy cơ ung thư: Làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng và các ung thư tuyến dạng nội mạc tử cung.
  • Ảnh hưởng về tâm lý: Không chỉ cơn đau làm chị em phải khó chịu và căng thẳng, các biến chứng khác cũng như sự rối loạn nội tiết của cơ thể làm chị em lo âu và trầm cảm.

Vì vậy việc thăm khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện và điều trị bệnh sớm là cực kỳ quan trọng để giảm thiểu tác động xấu đến sức khỏe người bệnh.

Chat để được chuyên gia tư vấn trực tiếp!

Bị lạc nội mạc tử cung thì có mang thai được không?

Thực tế người bệnh mắc lạc nội mạc tử cung vẫn có thể mang thai, tuy nhiên tỷ lệ thành công khá thấp. Ngoài ra sức khỏe sinh sản của chị em có thể gặp phải những vấn đề sau:

Bi-lac-noi-mac-tu-cung-co-mang-thai-duoc-khong
Bị lạc nội mạc tử cung có mang thai được không?
  • Khó thụ thai: Sự thay đổi về mặt giải phẫu do dày dính các mô xung quanh lạc nội mạc, cũng như rối loạn nội tiết tố của cơ thể, làm ảnh hưởng chức năng bình thường của buồng trứng, con đường di chuyển của tinh trùng, ngăn cản quá trình thụ tinh.
  • Nguy cơ sảy thai cao: Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có đến gần 36% nguy cơ bị sảy thai trong quá trình mang thai.
  • Tăng nguy cơ sinh non: Những người bị lạc nội mạc tử cung có nguy cơ sinh non gấp 1,5 lần so với những phụ nữ bình thường.
  • Nguy cơ bị nhau tiền đạo: Chị em có nguy cơ mắc nhau tiền đạo khi nhau thai bám ở phần dưới của tử cung.

Mặc dù có những rủi ro và khó khăn khi mang thai khi bị lạc nội mạc tử cung, nhưng cũng có nhiều chị em mang thai và sinh con khỏe mạnh dù mắc phải hội chứng này. Tốt nhất chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ chăm sóc y tế cần thiết để giảm thiểu nguy cơ về sức khỏe.

Đọc thêm: U nang buồng trứng có thai được không? Dấu hiệu nhận biết?

Cách chẩn đoán lạc nội mạc tử cung

Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ, bệnh lạc nội mạc tử cung được phân loại thành 4 giai đoạn từ nhẹ đến nặng, bao gồm:

  • Giai đoạn I (tối thiểu): Có một số sang thương nhỏ trên bề mặt. Có thể thay hiện tượng viêm trong và xung quanh khoang chậu.
  • Giai đoạn II (nhẹ):  Bệnh nhân có nhiều sang thương hơn so với giai đoạn I, kích thước không lớn hơn 5cm và không tạo sẹo.
  • Giai đoạn III (trung bình): Các sang thương có thể xâm nhập sâu hơn, tạo ra sẹo ở vùng xung quanh buồng trứng hoặc vòi trứng, hoặc hình thành các nang lạc nội mạc tử cung.
  • Giai đoạn IV (nặng): Có nhiều sang thương hơn và hình thành các nang lớn ở buồng trứng. Có thể xuất hiện các tổn thương trên ống dẫn trứng và đại trực tràng
4-giai-doan-lac-noi-mac-tu-cung
4 giai đoạn lạc nội mạc tử cung

Việc phát hiện sớm có thể làm tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh và giảm thiểu những rủi ro không mong muốn. Các chuyên gia có thể sử dụng những phương pháp sau để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung:

  • Khám vùng chậu: Qua việc kiểm tra khu vực bụng dưới, bác sĩ có thể phát hiện các khối u ở buồng trứng hoặc tổn thương sẹo ở phía sau tử cung và vách trực tràng.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: 

– Siêu âm: Sử dụng siêu âm qua ngã âm đạo để tạo ra hình ảnh chi tiết về cơ quan sinh sản như tử cung và buồng trứng. Siêu âm có thể giúp xác định kích thước và vị trí của khối u.
– CT-scan hoặc MRI: Phương pháp này có thể chỉ ra chi tiết về cấu trúc của tử cung và các cơ quan lân cận, từ đó giúp phát hiện lạc nội mạc tử cung.

  • Nội soi ổ bụng:

– Nội soi: Bác sĩ sử dụng dụng cụ quan sát bên trong ổ bụng để xem xét tử cung và các cơ quan vùng chậu, nhận diện tổn thương của lạc nội mạc tử cung.

– Sinh thiết: Thu mẫu mô từ tử cung hoặc các cơ quan lân cận để chẩn đoán bệnh.

Thông qua việc sử dụng các phương pháp chẩn đoán này, bác sĩ có thể xác định chính xác bệnh lạc nội mạc tử cung và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Đọc thêm: U xơ tử cung: Dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa

Những phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung hiện nay

Không có phương pháp điều trị hoàn toàn lạc nội mạc tử cung. Mục tiêu của các bác sĩ khi điều trị cho bạn là giảm triệu chứng và các vấn đề sức khỏe gây ra bởi lạc nội mạc.

Điều trị triệu chứng – Giảm đau

Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc naproxen có thể giúp giảm đau hiệu quả. Các loại thuốc này giúp làm giảm viêm và giảm đau trong chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, đây chỉ là một phương pháp điều trị tạm thời.

Điều trị nội tiết

Các loại thuốc như viên tránh thai kết hợp, thuốc đồng vận hoặc đối vận Gn-RH, và thuốc nội tiết Progestin có thể được sử dụng. Các loại thuốc này làm giảm lượng estrogen tạo ra bởi cơ thể và làm ngưng chu kỳ nên từ đó giảm triệu chứng bao gồm giảm chảy máu, giảm viêm và giảm tạo sẹo dính.

Phẫu thuật bảo tồn

Phương pháp này chỉ áp dụng sau khi người bệnh không đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Mục tiêu là phá hủy sự phát triển của lạc nội mạc tử cung mà hạn chế tối đa việc làm tổn thương cơ quan sinh sản. Thông qua nội soi, bác sĩ sẽ bóc tách hoặc đối laser các khối lạc nội mạc tử cung, mô dày dính.

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung

Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể đề xuất cắt hoàn toàn tử cung hoặc các cơ quan sinh sản khác nếu các phương pháp khác không hiệu quả. Phương pháp này chỉ được cân nhắc khi chị em không còn nhu cầu sinh con nữa.

Điều trị vô sinh

Ngay từ khi phát hiện có lạc nội mạc tử cung, chị em nên lập ngay một kế hoạch mang thai nếu có nhu cầu để tránh diễn tiến bệnh nặng hơn. Nếu chị em đã xác định vô sinh, các bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp để hỗ trợ sinh sản, tăng khả năng mang thai. Phẫu thuật phục hồi ống dẫn trứng, hoặc phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có thể là lựa chọn cho chị em.

Đọc thêm: Thai ngoài tử cung có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách điều trị

Nên làm gì khi mắc bệnh lạc nội mạc tử cung?

Thay đổi lối sống đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp người mắc bệnh lạc nội mạc tử cung kiểm soát được triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích:

Nen-lam-gi-khi-bi-lac-noi-mac-tu-cung
Nên làm gì khi bị lạc nội mạc tử cung?

Ăn uống lành mạnh:

  • Tăng cường tiêu thụ rau củ quả và trái cây giàu chất xơ và các dưỡng chất quan trọng. Tránh tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ và chất béo động vật, thay vào đó, ưu tiên các nguồn protein thực vật như đậu, hạt, và cá hồi giàu axit béo omega-3.
  • Hạn chế sử dụng thức uống chứa cồn và caffeine, vì chúng có thể làm tăng các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung.

Tập thể dục đều đặn:

  • Thực hiện các hoạt động thể chất đều đặn như yoga, đi bộ, chạy bộ, đạp xe, và các bài tập cường độ vừa phải. Tập thể dục có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm căng thẳng, và giảm đau.
  • Vận động thường xuyên cũng có thể giúp kiểm soát cân nặng và giảm lượng estrogen trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ phát triển lạc nội mạc tử cung.

Giữ tinh thần lạc quan:

  • Những hoạt động như ngồi thiền, yoga, và hơi thở sâu để giảm stress và giải tỏa căng thẳng, giúp giảm đi các triệu chứng và đau liên quan đến lạc nội mạc tử cung.
  • Duy trì một tinh thần tích cực và lạc quan có thể giúp cải thiện tâm trạng và chất lượng cuộc sống.
  • Chị em cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, hoặc bạn bè để chia sẻ cảm xúc.

Thực hiện các liệu pháp bổ trợ:

Ngoài việc thay đổi lối sống, người bệnh cũng có thể tham khảo các liệu pháp bổ trợ như liệu pháp phản hồi sinh học, châm cứu, hay massage để giúp giảm đau và căng thẳng.

Đọc thêm: Viêm âm đạo có tự hết không? 10 cách phòng ngừa hiệu quả

Như vậy chị em đã cùng TIANYIAI tìm hiểu về “Dấu hiệu lạc nội mạc tử cung: Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả”. Hy vọng rằng những thông tin trên đây sẽ bổ ích cho những chị em đang mắc phải bệnh lạc nội mạc tử cung nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *