Phát hiện cục cứng ở vú không đau là tình trạng khiến nhiều chị em phụ nữ lo lắng và đây cũng có thể là dấu hiệu của ung thư vú. Tuy nhiên, không phải khối u vú nào cũng là ung thư. Trong bài viết này TIANYIAI sẽ giải đáp những câu hỏi xoay quanh khối u ở vú và những điều nên làm khi phát hiện trong ngực có cục cứng không đau.
Cục cứng trong vú là gì?
Cục cứng trong vú là những khối u xuất hiện ở vú hoặc vùng nách, có thể mang nhiều kích thước, hình dạng và cảm giác khác nhau. Khối u ở vú bao gồm u lành tính và u ác tính với các đặc điểm khác nhau.
1. Khối u vú lành tính
U vú lành tính là những khối u thường phát triển ở phần biểu mô ống dẫn sữa hoặc mô liên kết và mô mỡ. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng chúng có thể gây ra một số khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp của u vú lành tính:
- Khối u thường có hình dạng bầu dục hoặc tròn, với các cạnh lề rõ ràng, dễ dàng phân biệt với mô xung quanh.
- Khối u có thể mềm hoặc cứng, tùy thuộc vào loại u và kích thước.
- Khi ấn nhẹ vào, bạn có thể cảm nhận thấy sự di chuyển của khối u trong vú.
- Có thể gây cảm giác đau tức hoặc không.
- Cảm giác đau và kích thước khối u thường tăng trước kỳ kinh nguyệt và lúc rụng trứng, sau đó giảm dần hoặc hoàn toàn biến mất khi sạch kinh.
- Tốc độ tăng trưởng khối u chậm
2. Khối u vú ác tính
U vú ác tính hay ung thư vú tạo nên bởi quá trình phát triển bất thường của các tế bào tuyến vú với một số đặc điểm lâm sàng như:
- Khối u thường dị dạng, có hình dạng không đều, mép lởm chởm.
- Khối u rắn cứng và săn chắc hơn so với mô vú xung quanh.
- Khi sờ nắn thì khối u không có cảm giác di chuyển.
- Tốc độ phát triển nhanh, kích thước phát triển to chỉ trong thời gian ngắn.
- Da vú xuất hiện một số thay đổi bất thường: Có thể xuất hiện các u, cục, hạch ở vùng da vú hoặc xung quanh nách; núm vú có thể bị tụt vào trong; da vú có thể sưng đỏ, phồng rộp, loét hoặc có màu da cam như vỏ cam.
- Một phần, một bên hoặc toàn bộ vú có thể bị sưng bất thường.
- Cảm giác đau tức ở vú có thể xuất hiện liên tục hoặc chỉ khi ấn vào.
- Núm vú tiết ra dịch bất thường không phải sữa, có màu vàng, màu hồng hoặc lẫn máu.
Đọc thêm: Làm sao để phân biệt khí hư bình thường và khí hư bệnh lý?
Trong ngực có cục cứng không đau là triệu chứng của bệnh gì?
Trong ngực có cục cứng không đau là tình trạng phổ biến, do nhiều nguyên nhân khác nhau và nó có thể là dạng u lành hoặc ác tính. Do đó, việc xác định chính xác bản chất của khối u là vô cùng quan trọng vì chúng có ảnh hưởng và hướng điều trị khác nhau.
Dưới đây là một số bệnh lý phổ biến khi phát hiện cục cứng ở vú không đau:
1. U lành tính
- Xơ nang tuyến vú: Đây là tình trạng thường gặp ở phụ nữ từ 30 đến 35 tuổi, do rối loạn nội tiết tố. Người bệnh sẽ thấy xuất hiện các mảng hoặc cục cứng ở một hoặc cả hai bên vú, thường kèm theo cảm giác đau khi tới kỳ kinh nguyệt.
- Bướu sợi tuyến vú: Bệnh phổ biến ở phụ nữ trẻ, từ 18 đến 40 tuổi, và có thể xuất hiện ngay cả sau khi mãn kinh. Cục u trong trường hợp này thường cứng, có thể di động và không gây đau, thường có hình tròn.
- Viêm tuyến vú: Thường gặp ở phụ nữ sau sinh và đang cho con bú. Cục cứng do viêm tuyến vú có thể gây đau, nóng, sưng đỏ, và kèm theo các triệu chứng như sốt hoặc tắc tia sữa.
2. Ung thư vú
Khi mắc ung thư vú, người bệnh thường cảm nhận được cục cứng ở vú có kích thước từ 1cm trở lên. Cục u này thường cứng, không di chuyển và không đau. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu cần cảnh giác vì ung thư vú thường không gây đau ở giai đoạn đầu.
Các triệu chứng khác của ung thư vú:
- Tiết dịch bất thường từ núm vú, có thể lẫn máu hoặc dịch màu hồng.
- Núm vú thụt vào trong, cứng và không kéo ra được.
- Bề mặt da ở vú nhăn nheo, xuất hiện các nếp nhăn bất thường.
- Viêm da vùng quanh vú, da đỏ, bong tróc, sần sùi hoặc ngứa ngáy.
- Nổi hạch ở vùng nách, có thể gây đau hoặc không.
Lưu ý: Ung thư vú thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, khiến nhiều người bỏ qua việc thăm khám sớm. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, khối u có thể vỡ, gây chảy dịch, máu và di căn sang các cơ quan khác như xương và phổi, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Thực tế, nếu chỉ dựa vào cảm giác không đau khi sờ nắn và các biểu hiện bên ngoài khác không thể khẳng định chắc chắn bản chất của khối u. Việc tự ý chẩn đoán và điều trị có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm, đặc biệt là trong trường hợp ung thư vú. Để xác định chính xác cục cứng không đau ở vú là bệnh gì, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán.
Đọc thêm: Đa nang buồng trứng (PCOS): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dưới đây là các dấu hiệu bất thường ở vú mà bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay:
- Cơn đau vú kéo dài và không giảm sau kỳ kinh tiếp theo.
- Nhận thấy khối u ở vú phát triển to.
- Cảm thấy khối u không di chuyển khi sờ nắn.
- Núm vú có sự thay đổi: Sưng, thụt vào trong hoặc tiết dịch bất thường.
- Vùng da vú ngứa, mẩn đỏ, đóng vảy, lõm xuống hoặc nhăn nheo.
- Phát hiện khối u dưới nách, cánh tay
Các phương pháp chẩn đoán khối u ở vú
Dưới đây là các phương pháp chẩn đoán khối u trong vú phổ biến:
1. Siêu âm vú
Siêu âm tuyến vú là phương pháp chẩn đoán bệnh lý tuyến vú bằng cách sử dụng sóng âm tần số cao đi xuyên qua vú, phản âm và tạo ra các hình ảnh bên trong vú. Hình ảnh ghi lại bằng siêu âm giúp ích trong việc xác định khối u là dạng đặc hay chứa đầy dịch lỏng gọi là nang vú.
Phương pháp chẩn đoán này thường được bác sĩ chỉ định để khảo sát bản chất tổn thương sờ thấy khi khám lâm sàng hoặc các triệu chứng liên quan đến vú. Siêu âm vú có chi phí không cao, dễ thực hiện, không xâm lấn và không đau nên là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đầu tay trong tầm soát các bệnh lý tuyến vú.
2. Chụp X-quang vú
Chụp X-quang tuyến vú, hay còn gọi là chụp nhũ ảnh, là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X năng lượng thấp để ghi lại hình ảnh chi tiết cấu trúc bên trong vú. Chụp nhũ ảnh giúp bác sĩ phát hiện những thay đổi bất thường ở tuyến vú, tuy nhiên phương pháp này không xác định được khối u ở vú là lành hay ác tính. Người bệnh sẽ chỉ định thêm các phương pháp khác để có cơ sở chính xác chẩn đoán bệnh.
Trong quá trình chụp X-quang, cần thực hiện ép vú nên có thể gây cảm giác đau cho người chụp. Chụp nhũ ảnh có sử dụng tia X nên nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú nên thông báo với bác sĩ để được chỉ định phương pháp phù hợp.
Ngoài ra, nếu bạn đã từng thực hiện cấy ghép mô mỡ ở ngực hay đặt túi ngực cũng cần báo thông tin này với bác sĩ vì việc cấy ghép mô mỡ có thể che lấp một vài mô vú, cản trở việc phát hiện những tổn thương.
3. Chụp cộng hưởng từ vú (MRI nhũ)
Chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến vú hay còn gọi là MRI nhũ là kỹ thuật áp dụng từ trường, sóng vô tuyến và máy tính hiện đại để tạo hình ảnh chi tiết bên trong vú. Trước khi tiến hành chụp MRI nhũ, người bệnh có thể được tiêm thuốc cản từ qua đường truyền tĩnh mạch để tăng cường sự xuất hiện của các mô hoặc mạch máu trên hình ảnh MRI.
Chụp MRI vú giúp các bác sĩ đánh giá kích thước u, vị trí khối u, sự xâm lấn, di căn hạch theo các chặn trong bệnh ung thư tuyến vú, các bệnh liên quan đến biến chứng đặt túi ngực.
MRI nhũ được coi là một trong những công cụ hình ảnh chẩn đoán hiệu quả, giúp tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú cũng như các bệnh lý nguy hiểm của tuyến vú. Kỹ thuật này còn tạo cảm giác thoải mái cho khách hàng, không cần nén ép ngực khi thực hiện chụp MRI.
4. Sinh thiết u vú
Sinh thiết vú là thủ thuật can thiệp quan trọng giúp bác sĩ lấy mẫu mô hoặc tế bào từ vú để quan sát dưới kính hiển vi, nhằm chẩn đoán chính xác bản chất của các bất thường ở vú, bao gồm cả u lành tính và ung thư vú. Nhờ sinh thiết, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất cho từng trường hợp. Có nhiều phương pháp sinh thiết, bao gồm:
- Sinh thiết chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA): Sử dụng kim nhỏ để lấy mẫu tế bào và dịch từ khối u. Đây là phương pháp sinh thiết ít xâm lấn nhất, thường được thực hiện bằng tay hoặc dưới sự hướng dẫn của siêu âm.
- Sinh thiết kim lõi (CNB): Sử dụng một cây kim chuyên dụng lớn hơn để lấy các mẫu mô trong khối u dưới sự hướng dẫn của siêu âm.
- Sinh thiết bằng thiết bị có hỗ trợ chân không (VABB): Đầu dò được kết nối với thiết bị hút chân không sẽ cắt bỏ một mẫu nhỏ mô vú dưới sự hướng dẫn của phương tiện hình ảnh (thường là siêu âm).
- Sinh thiết qua phẫu thuật mở: Thực hiện một vết cắt trên da và mô vú để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ khối u.
Đọc thêm: Khí hư bã đậu là gì? 7 cách điều trị viêm âm đạo do nấm
Điều trị khối u ở vú bằng cách nào?
Điều trị khối u ở vú phụ thuộc vào loại khối u (lành tính hay ác tính) và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến:
1. Điều trị u vú lành tính
U vú lành tính thường không nguy hiểm và có thể tự tiêu biến theo thời gian. Tuy nhiên, tùy vào kích thước, mức độ ảnh hưởng và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Theo dõi định kỳ
Với những khối u nhỏ, không gây triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi định kỳ bằng các phương pháp như siêu âm vú, chụp nhũ ảnh,…để theo dõi và kiểm soát sự tăng trưởng của khối u.
Điều trị bằng thuốc
Một số loại thuốc có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng khó chịu do u vú lành tính gây ra, ví dụ như thuốc giảm đau, thuốc điều hòa nội tiết tố,…
Kỹ thuật xâm lấn tối thiểu
Với những trường hợp u vú có kích thước lớn hoặc gây nhiều triệu chứng, bác sĩ có thể áp dụng các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu như:
- Chọc hút nang vú: Dùng kim nhỏ để để hút hết dịch lỏng ra khỏi u nang.
- Sinh thiết kim nhỏ: Lấy mẫu mô khối u để xét nghiệm dưới kính hiển vi.
Phẫu thuật cắt bỏ khối u
Đây là phương pháp điều trị triệt để nhất, thường được áp dụng cho các trường hợp u vú có kích thước lớn, phát triển nhanh, gây nhiều triệu chứng hoặc có nguy cơ biến chứng ung thư.
2. Điều trị khối u vú ác tính (ung thư vú)
Việc điều trị ung thư vú phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh. Bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực sẽ đánh giá kích thước cũng như khả năng di căn. Bác sĩ sẽ chỉ định một số cận lâm sàng để kiểm tra các vị trí mà khối u ác tính thường di căn. Tùy theo tình trạng bệnh và sức khỏe người bệnh, bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực sẽ có phác đồ điều trị cá nhân hóa phù hợp.
Đọc thêm: Viêm lộ tuyến cổ tử cung: Dấu hiệu 3 cấp độ, nguyên nhân và cách điều trị
Cách phòng ngừa khối u ở vú
Để phòng ngừa và cẩn trọng với khối u trong vú, chị em có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Cho con bú đúng cách: Sau khi cho con bú, nếu ống dẫn sữa bị đầy, ngâm ngực trong nước ấm vài phút, thấm khô bằng khăn sạch và massage ngực theo vòng tròn để tránh sữa dồn lại một chỗ. Có thể vắt sữa bằng tay ra bình để giảm tắc nghẽn.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Tránh thừa cân, béo phì để giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến vú.
- Ăn uống lành mạnh: Bổ sung đủ dưỡng chất từ chế độ ăn cân đối, tránh thực phẩm có hại cho sức khỏe.
- Hạn chế hút thuốc lá, rượu, bia: Các chất kích thích này có thể làm tăng nguy cơ phát triển khối u vú.
- Khám vú định kỳ: Việc kiểm tra thường xuyên giúp phát hiện sớm các bất thường trong vú.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Nếu gia đình có tiền sử ung thư vú, nên hỏi ý kiến bác sĩ để có kế hoạch theo dõi phù hợp.
- Giữ bình tĩnh: Khối u ở vú có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân lành tính, vì vậy không nên quá lo sợ khi phát hiện cục cứng. Thăm khám bác sĩ chuyên khoa để nhận được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bài viết trên, TIANYIAI cung cấp thông tin bổ ích về khối u ở vú cũng như hướng dẫn chị em phụ nữ nên làm gì khi phát hiện cục cứng ở vú không đau. Hy vọng bài viết này sẽ mang lại nhiều thông tin bổ ích cho những chị em đang bị khối u tuyến vú hoặc mới phát hiện trong ngực có cục cứng không đau nhé!