fbpx
Doa-say-thai
Nguyen-dao-ngoc-thuyet

Bác sĩ Nguyễn Đào Ngọc Thuyết

Đã kiểm duyệt nội dung bài viết

Tốt nghiệp Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyên ngành y học cổ truyền 

Dọa sảy thai hay động thai là một trong những nỗi lo lớn nhất đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Hiểu rõ về các dấu hiệu dọa sảy thai là điều vô cùng quan trọng để có thể giúp mẹ nhận biết kịp thời và xử lý đúng cách. Vậy doạ sảy thai là gì? Bà bầu bị doạ sảy thai có giữ được không? Cùng TIANYIAI tìm hiểu ngay!

Doạ sảy thai là gì?

Dọa sảy thai, còn được gọi là động thai, là sản phụ có các hiện tượng xuất huyết âm đạo, cơn co tử cung, đau bụng khi thai nhi dưới 20 tuần tuổi (đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ 1) nhưng lỗ cổ tử cung vẫn đóng, thai nhi hoặc phôi vẫn còn sống và phát triển. Dù thai nhi chưa bị bong ra khỏi niêm mạc tử cung, tình trạng này rất giống với sảy thai và nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời, có thể dẫn đến sảy thai thật sự.

Theo một số nghiên cứu, khoảng 11% phụ nữ khi bị dọa sảy thai không thể giữ được thai, điều này khiến nhiều bà mẹ cảm thấy vô cùng hoang mang và lo sợ.

Đọc thêm: Đau nhói bụng dưới khi mang thai: Mẹ bầu chớ chủ quan!

Phân biệt dọa sảy thai và sảy thai

Động thai là tình trạng cảnh báo và có thể can thiệp được, trong khi sảy thai là mất thai hoàn toàn và không thể cứu vãn. Vậy sảy thai và dọa sảy thai khác nhau thế nào? Dưới đây là bảng so sánh chi tiết điểm khác biệt:

 

Dọa sảy thai

Sảy thai

Tình trạng thai nhiThai nhi vẫn còn sống và phát triển trong tử cung.Thai nhi đã không còn sống hoặc bị đẩy ra khỏi tử cung.
Tình trạng xuất huyết âm đạoChảy máu ít, màu hồng nhạt hoặc nâu, có thể kèm chất nhầy. Thường không có máu đông.Chảy máu nhiều hơn, đỏ tươi hoặc chuyển màu nâu, có thể xuất hiện cục máu đông và kéo dài.
Mức độ đau bụngĐau âm ỉ hoặc đau tức bụng dưới, cơn đau nhẹ và không quá rõ rệt. Có thể kèm đau lưng hoặc mỏi thắt lưng.Đau bụng dưới dữ dội, cảm giác như đau bụng kinh mạnh. Cơn đau có thể xuất hiện theo chu kỳ co thắt tử cung (cứ 5-20 phút lại có cơn đau mạnh).
Kết quả thử thaiKết quả thử thai vẫn dương tính do thai nhi vẫn còn phát triển.Thử thai có thể chuyển sang âm tính nếu thai đã bị tống ra ngoài.
Khả năng điều trịCó thể điều trị và phòng tránh được nếu phát hiện kịp thời. Thường cần nghỉ ngơi và dùng thuốc để ổn định thai kỳ.Không thể cứu giữ được thai khi đã sảy thai. Thai phụ cần được khám ngay lập tức để loại bỏ các mô còn sót lại trong tử cung và điều trị các biến chứng sau sảy thai.

Đọc thêm: Máu sảy thai khác máu kinh nguyệt như thế nào?

Những nguyên nhân dọa sảy thai mẹ cần biết

Nguyên nhân dẫn đến dọa sảy thai rất đa dạng và có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng dọa sảy thai:

  1. Bất thường nhiễm sắc thể: Đây là nguyên nhân chính, đặc biệt ở phụ nữ trên 35 tuổi, gây sảy thai sớm do thai nhi không phát triển bình thường.
  2. Bất thường về nhau thai: Nhau thai là cơ quan liên kết cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể thai nhi. Nếu sự phát triển của nhau thai bất thường, có thể gây ra sảy thai.
  3. Bệnh lý mạn tính: Một số bệnh lý mạn tính có thể làm tăng nguy cơ sảy thai nếu nó không được điều trị và kiểm soát tốt. Các bệnh lý thường gặp nhất bao gồm: đái tháo đường, tăng huyết áp nghiêm trọng, lupus ban đỏ, bệnh thận, cường giáp hoặc suy giáp, hội chứng kháng phospholipid.
  4. Bệnh viêm nhiễm: Rubella, Cytomegalovirus, viêm âm đạo do vi khuẩn, HIV, Chlamydia, lậu, sốt rét,…đều là các tác nhân có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi, làm sảy thai.
  5. Các vấn đề của tử cung: Sự bất thường về cấu trúc của tử cung, cơ tử cung quá yếu hoặc u xơ tử cung,…làm ảnh hưởng đến thai nhi và có nguy cơ gây sảy thai.
  6. Hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS): Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên vô sinh vì nó có thể ngăn cản quá trình rụng trứng. Một số bằng chứng còn cho thấy PCOS làm tăng nguy cơ sảy thai.
  7. Ngộ độc thức ăn: Vô tình ăn phải các loại thức ăn bị nhiễm độc có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. Ví dụ như phô mai xanh (vi khuẩn Listeria), thịt sống (ký sinh trùng Toxoplasma), trứng sống (Salmonella).
  8. Thuốc: Misoprostol (loét dạ dày), Retinoids (mụn và chàm), Methotraxate (viêm khớp dạng thấp), NSAIDs (giảm đau, kháng viêm) có thể làm tăng nguy cơ sảy thai ở mẹ bầu. Vì vậy khi sử dụng thuốc trong giai đoạn này, chị em nên tham khảo ý kiến của bác sĩ/dược sĩ và thông báo rõ về tình trạng mang thai của mình.

Những yếu tố trên đều có thể đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn đến động thai. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi sức khỏe thai kỳ và điều chỉnh lối sống để giảm thiểu rủi ro cho cả mẹ và bé.

Đọc thêm: Hiện tượng thai lưu là gì? Mẹ nên làm gì khi bị thai lưu?

Dấu hiệu dọa sảy thai phổ biến nhất

Khi mang thai, việc nhận biết các dấu hiệu dọa sảy thai là vô cùng quan trọng để mẹ bầu có thể ứng phó kịp thời trong những trường hợp cần thiết. Dưới đây là những dấu hiệu dọa sảy thai mà mẹ nên chú ý:

  1. Xuất huyết âm đạo: Xuất hiện máu trong giai đoạn đầu thai kỳ có thể là dấu hiệu cảnh báo. Màu sắc của máu có thể là hồng nhạt, đỏ sẫm hoặc nâu. Trong một số trường hợp, có thể có cục máu đông nhỏ.
  2. Đau bụng: Cảm giác đau có thể là những cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói ở vùng bụng dưới (có thể đi kèm với các cơn co tử cung, tương tự như cơn đau bụng kinh).Nếu cơn đau kéo dài hoặc tăng cường độ, mẹ bầu nên đi khám ngay.
  3. Kết quả siêu âm: Siêu âm có thể cho thấy cổ tử cung vẫn đóng kín, nhưng có thể có dấu hiệu bong nhau, cho thấy nguy cơ dọa sảy.
  4. Cảm giác khó chịu khác: Một số phụ nữ có thể cảm thấy đau mỏi lưng hoặc các triệu chứng như sốt cao, tiểu đau, tiểu buốt.

Việc hiểu rõ và nhận diện những dấu hiệu này sẽ giúp mẹ bầu chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và thai nhi. Nếu mẹ bầu gặp bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, việc đến cơ sở y tế để kiểm tra và được tư vấn kịp thời là rất quan trọng để bảo đảm sức khoẻ cho cả mẹ và bé.

Đọc thêm: Bà bầu đau bụng quặn từng cơn có đáng lo không?

Chat để được chuyên gia tư vấn trực tiếp!

Mẹ bầu bị doạ sảy thai có giữ được không?

Động thai là tình trạng thai nhi vẫn còn phát triển bên trong tử cung, nhưng mẹ bầu lại xuất hiện các dấu hiệu như đau bụng hoặc chảy máu âm đạo. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, mẹ bầu vẫn có khả năng giữ thai và vượt qua nguy cơ này.

Ba-bau-bi-doa-say-thai-co-giu-duoc-khong
Bà bầu bị doạ sảy thai có giữ được không?

Theo một số nghiên cứu, trong tam cá nguyệt thứ 1, khoảng 25% thai phụ sẽ gặp hiện tượng xuất huyết âm đạo. Mặc dù điều này khiến nhiều thai phụ lo lắng, nhưng chỉ phân nửa số này liên quan đến việc dọa sảy thai. Cụ thể:

  • 12-57% các trường hợp dọa sảy có nguy cơ kết thúc bằng sảy thai tự nhiên.
  • Nếu hiện tượng chảy máu kéo dài hơn 3 ngày, nguy cơ sảy thai sẽ tăng lên.

Một yếu tố quan trọng để đánh giá khả năng giữ thai là sự phát triển của tim thai. Tim thai thường hoàn thiện vào tuần thứ 12. Nếu tim thai đã xuất hiện từ tuần thứ 6 mà mẹ có dấu hiệu dọa sảy, nguy cơ sảy thai chỉ còn khoảng 7%. Đến tuần thứ 8, khi tim thai đã ổn định, nguy cơ này giảm xuống chỉ còn 2%.

Dọa sảy thai có nguy hiểm không?

Dọa sảy thai là tình trạng tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó nguy cơ lớn nhất chính là sảy thai – điều mà không ai mong muốn, đặc biệt là với những cặp vợ chồng đang mong chờ đứa con đầu lòng. Tuy nhiên, ngoài việc có thể mất thai, tình trạng này còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được can thiệp kịp thời.

Một số biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Nhiễm trùng: Nếu không được điều trị, dọa sảy thai có thể tạo điều kiện cho nhiễm trùng phát triển, gây nguy hiểm đến sức khỏe tổng thể của mẹ.
  • Rối loạn đông máu: Tình trạng này có thể gây ra băng huyết nghiêm trọng, đòi hỏi phải được cấp cứu ngay để ngăn ngừa nguy cơ đe dọa tính mạng.

Do đó, dọa sảy thai có thể trở nên nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Đọc thêm: Sảy thai bao lâu thì có thai lại được? Bổ sung axit folic sau sảy thai

Mẹ cần làm gì khi có dấu hiệu dọa sảy thai?

Khi gặp dấu hiệu dọa sảy thai, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh và thực hiện các bước sau để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi:

  • Thăm khám bác sĩ ngay lập tức: Ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường, bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán. Việc này sẽ giúp xác định nguyên nhân cụ thể và nhận được phác đồ điều trị phù hợp nhằm giảm nguy cơ sảy thai.
  • Tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế các hoạt động mạnh, kiêng quan hệ tình dục và sử dụng thuốc hỗ trợ nếu cần. Điều quan trọng là tuân thủ đúng các hướng dẫn để đảm bảo thai nhi được phát triển an toàn.
  • Giữ tinh thần thư giãn: Tâm lý căng thẳng và lo lắng chỉ làm gia tăng nguy cơ ảnh hưởng đến thai kỳ. Hãy cố gắng duy trì trạng thái tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi và tránh những yếu tố gây căng thẳng không cần thiết.
  • Chăm sóc dinh dưỡng hợp lý: Đảm bảo bạn có chế độ ăn uống đủ chất, đặc biệt là những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể và hỗ trợ quá trình phát triển của thai nhi.

Việc phản ứng nhanh và xử lý kịp thời khi có dấu hiệu dọa sảy thai sẽ bảo đảm an toàn cho thai phụ và giúp thai kỳ tiếp tục diễn ra an toàn.

Đọc thêm: Bí kíp kiêng cữ sau sảy thai tự nhiên cực kỳ quan trọng

Phòng ngừa dọa sảy thai bằng cách nào?

Để giảm nguy cơ dọa sảy thai và bảo đảm một thai kỳ an toàn, mẹ bầu cần chú ý thực hiện một số biện pháp chăm sóc sức khỏe cả trước và trong quá trình mang thai

  • Tránh các tác nhân gây hại: Tránh xa khói thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích. Hạn chế tiếp xúc với các chất thải, hóa chất độc hại và môi trường ô nhiễm.
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Xây dựng thực đơn cân bằng với đủ dưỡng chất, đặc biệt là bổ sung các vitamin cần thiết cho thai kỳ.
  • Sử dụng thuốc an toàn: Tránh sử dụng các loại thuốc nguy hiểm trong thai kỳ như misoprostol, retinoids, methotrexate và các thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Tầm soát và điều trị các bệnh lý toàn thân, đặc biệt là bệnh tuyến giáp và bệnh truyền nhiễm, nhằm giảm thiểu nguy cơ động thai.
  • Xét nghiệm và sàng lọc: Thực hiện các xét nghiệm máu, nước tiểu và sàng lọc dị tật thai nhi định kỳ trong thai kỳ để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé.
  • Tư vấn di truyền: Nếu bố hoặc mẹ có tiền sử biến đổi nhiễm sắc thể, nên tìm đến chuyên gia tư vấn di truyền để đánh giá nguy cơ và đưa ra biện pháp phù hợp trước khi mang thai.

Những câu hỏi khác liên quan đến dọa sảy thai

1. Dọa sảy thai ra máu bao lâu?

Ra máu âm đạo là một trong những dấu hiệu dọa sảy thai phổ biến nhất. Thời gian chảy máu do dọa sảy thai thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần, nhưng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bao gồm:

  • Tuổi thai nhi: Những phụ nữ mang thai lâu hơn có nồng độ hormone hCG và progesterone cao hơn, giúp hỗ trợ thai kỳ. Vì vậy, thời gian chảy máu có thể ngắn hơn hoặc kéo dài chỉ vài ngày hoặc vài tuần.
  • Thai đôi hoặc đa thai: Những phụ nữ mang thai đôi, ba…có thể đối diện với nguy cơ động thai cao hơn, do đó, thời gian chảy máu có khả năng kéo dài hơn.
  • Quá trình tống xuất mô và nhau thai: Khối lượng mô và nhau thai cần được tống ra ngoài trong quá trình này cũng ảnh hưởng đến thời gian chảy máu.

2. Đâu là tư thế nằm phù hợp cho mẹ bầu khi bị dọa sảy thai?

Trong ba tháng đầu của thai kỳ, khi bụng chưa lớn và cơ thể còn linh hoạt, mẹ bầu có thể lựa chọn các tư thế nằm thoải mái, nhưng nên tránh nằm sấp hoặc nằm gục lên bàn. Tư thế nằm nghiêng sang bên trái, với chân trái duỗi thẳng và chân phải co lại, là tư thế được khuyến cáo cho phụ nữ bị dọa sảy thai vì những lý do sau:

  • Nằm nghiêng trái giúp giảm áp lực của tử cung lên các tĩnh mạch, lưng và cơ quan nội tạng, từ đó giúp máu và các chất dinh dưỡng lưu thông tốt hơn đến nhau thai.
  • Đối với mẹ bầu gặp tình trạng tụ dịch màng nuôi, tư thế này có thể giúp giảm nguy cơ tụ dịch.
  • Tư thế nghiêng trái còn giúp tử cung co bóp tốt hơn, hỗ trợ quá trình sản dịch được đào thải nhanh hơn sau sinh.
Tu-the-nam-phu-hop-cho-me-bi-dong-thai
Tư thế nằm phù hợp cho mẹ bị động thai

Đọc thêm: Mẹ bầu nằm sấp có bị sảy thai không? Gợi ý 10+ tư thế tránh sảy thai

3. Mẹ nên ăn gì khi bị dọa sảy thai?

Khi bị dọa sảy thai, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Dưới đây là những thực phẩm mà mẹ bị động thai nên bổ sung:

  • Thịt nạc: Các loại thịt như thịt lợn, thịt gà, thịt bò là nguồn cung cấp giàu protein, sắt, choline và vitamin B, giúp cơ thể mẹ và thai nhi phát triển toàn diện.
  • Trứng: Rất giàu choline, giúp não bộ thai nhi phát triển tốt và phòng ngừa các dị tật bẩm sinh.
  • Rau xanh đậm và bông cải xanh: Đây là nguồn cung cấp dồi dào vitamin C, A, K cùng với sắt, kali, canxi và folate – những dưỡng chất rất cần thiết cho thai kỳ.
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa: Giàu protein và canxi, giúp hỗ trợ phát triển hệ xương của bé và giảm nguy cơ loãng xương cho mẹ.
  • Trái cây giàu vitamin C: Các loại trái cây như cam, ổi, dâu tây và bơ sẽ cung cấp vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ hấp thụ sắt tốt hơn.
  • Các loại hạt: Chứa nhiều vitamin B, folate, vitamin K và chất béo lành mạnh, rất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.

Đọc thêm: 5 thực đơn cho người sảy thai, phụ nữ sảy thai nên ăn gì?

4. Mẹ nên uống thuốc gì khi bị dọa sảy thai?

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng dọa sảy thai, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp để hỗ trợ mẹ bầu, bao gồm:

  • Thuốc giảm co thắt tử cung: Giúp thư giãn cơ tử cung, hạn chế các cơn co bóp, từ đó giảm nguy cơ sảy thai.
  • Thuốc nội tiết progesterone: Progesterone là một hormone quan trọng giúp duy trì sự ổn định của thai kỳ. Nếu nồng độ hormone này thấp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc bổ sung dưới dạng uống hoặc tiêm để hỗ trợ mẹ bầu.
  • Globulin miễn dịch Rh: Trong trường hợp mẹ có nhóm máu Rh âm và thai nhi có nhóm máu Rh dương, bác sĩ có thể chỉ định tiêm globulin miễn dịch Rh. Điều này giúp ngăn ngừa cơ thể mẹ sản xuất kháng thể chống lại máu của thai nhi, tránh các biến chứng nguy hiểm cho thai kỳ hoặc những lần mang thai sau.

Lưu ý: Không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo phù hợp với tình trạng sức khỏe và thai kỳ. Việc làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ sẽ giúp mẹ bầu vượt qua tình trạng dọa sảy thai một cách an toàn. 

Động thai là tình trạng không hề hiếm gặp và thường gây ra nhiều lo lắng cho mẹ bầu. Tuy nhiên, nếu nhận biết sớm và được chăm sóc y tế kịp thời, nhiều trường hợp có thể giữ được thai kỳ ổn định. Điều quan trọng là các mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu dọa sảy thai để có biện pháp can thiệp sớm nhất. TIANYIAI chúc các mẹ thật nhiều sức khoẻ!

Nếu có bất kỳ câu hỏi nào về sảy thai hoặc phá thai, chị em có thể tham gia: Hội các mẹ sảy thai – phá thai – thai lưu – IVF thất bại chia sẻ kinh nghiệm để được các chuyên gia giải đáp thắc mắc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *