✅ Đã kiểm duyệt nội dung bài viết
Tốt nghiệp Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Chuyên ngành y học cổ truyền
Sau khi sinh, sản dịch là một hiện tượng bình thường mà hầu hết các mẹ bỉm sữa sẽ trải qua. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hiện tượng chưa hết sản dịch lại ra máu tươi có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Cùng TIANYIAI tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu của tình trạng này trong bài viết này nhé!
Mục lục
ToggleSản dịch là gì?
Sản dịch là dịch tiết ra từ tử cung và đường sinh dục ra ngoài sau khi sinh con, bao gồm máu, mảnh niêm mạc tử cung, màng rụng, sản bào, tế bào biểu mô ở cổ tử cung và âm đạo.
Ban đầu, sản dịch sau sinh có màu đỏ sẫm, sau đó chuyển sang hồng nhạt như máu cá và cuối cùng là dịch trong. Lượng sản dịch trong 24 giờ đầu khoảng 1000 – 1500 ml và giảm dần theo thời gian, thường kéo dài từ 2 – 6 tuần.
Sau khi sinh con, cơ thể người phụ nữ trải qua một loạt thay đổi để trở lại trạng thái trước khi mang thai, được gọi là các hiện tượng sau sinh. Sau đây là 3 hiện tượng của tử cung có thể quan sát được:
- Sự co bóp tử cung: Tử cung có những cơn co bóp để tống sản dịch ra ngoài trong những ngày đầu sau sinh. Sản phụ sẽ có những cơn đau như đau bụng kinh, sau cơn đau sẽ có ít máu cục và sản dịch chảy ra ngoài ra đường âm đạo. Cơn đau này thường gặp ở những người đẻ con thứ 2, thứ 3,…hơn là người đẻ con so.
- Sự co hồi tử cung: sau sinh, đáy tử cung trên khớp mu khoảng 13 cm, các ngày sau đó, đáy tử cung thấp xuống dần, trung bình mỗi ngày co hồi được 1 cm, riêng ngày đầu tiên có thể co hồi được nhanh hơn, khoảng 2-3 cm. Sau 4 tuần, tử cung trở lại kích thước bình thường.
- Sự co cứng: sau khi sổ nhau, tử cung lập tức co cứng lại để thực hiện tắc mạch sinh lý. Lúc này tử cung co thành một khối chắc, còn gọi là “khối an toàn” của tử cung. Khối này chỉ tồn tại vài giờ sau sinh.
Đọc thêm: Sản dịch sau sinh bao lâu thì hết? Cách tống sản dịch sau sinh
Nguyên nhân chưa hết sản dịch lại ra máu tươi
Thông thường, giai đoạn ra máu tươi kèm sản dịch chỉ kéo dài đến tối đa 2 tuần. Sau khi sản dịch màu trắng trong, hoặc màu kem lại đột ngột ra máu tươi trở lại, có thể là do các nguyên nhân sau:
Kinh non sau sinh
Kinh non sau sinh là hiện tượng chảy máu âm đạo, màu đỏ tươi, lượng ít, có thể kèm theo đau bụng nhẹ, xảy ra do sự bong tróc của lớp niêm mạc tử cung mới hình thành trong 6 tuần đầu sau sinh. Đây là giai đoạn đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt sau sinh, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thường chỉ kéo dài khoảng từ 3-5 ngày là hết.
Tổn thương tử cung
Do sinh nở khó khăn gây ra các vết rách hoặc tổn thương niêm mạc tử cung, hoặc các thủ thuật sản khoa như như mổ đẻ, nạo phá thai. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến mất máu nhiều, nhiễm trùng và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Nhiễm trùng tử cung
Tác nhân gây nhiễm trùng là do vi khuẩn xâm nhập vào tử cung sau sinh, thường do vệ sinh không đảm bảo hoặc do các dụng cụ y tế không được khử trùng đúng cách. Hơn nữa, nhiễm trùng tử cung có thể lan rộng, gây suy đa cơ quan và có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Sót nhau thai
Nếu một phần hoặc toàn bộ nhau thai không được đẩy ra khỏi tử cung sau sinh có thể dẫn đến nhiễm trùng, băng huyết và các biến chứng nguy hiểm khác. Việc phát hiện và loại bỏ sớm là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe của mẹ. Ngoài ra việc sử dụng một số loại thuốc, bị rối loạn đông máu hoặc mắc các bệnh lý nền cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Đọc thêm: Sảy thai tự nhiên có bị sót nhau không? Điều trị thế nào?
Những dấu hiệu cảnh báo khi chưa hết sản dịch lại ra máu tươi
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường khi chưa hết sản dịch lại ra máu tươi là vô cùng quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho mẹ sau sinh. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo bất thường về sản dịch sau sinh mà bạn cần chú ý:
Dấu hiệu 1: Ra máu đỏ tươi, lượng nhiều và kéo dài
Bình thường, sản dịch sau sinh sẽ có màu đỏ sẫm trong những ngày đầu sau sinh, sau đó dần chuyển sang màu hồng nhạt và lượng giảm dần. Tuy nhiên, nếu sản dịch lại có màu đỏ tươi, lượng nhiều và kéo dài hơn 1 tuần sau sinh, đây có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như:
- Băng huyết sau sinh: đây là tình trạng ra máu quá nhiều sau sinh, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Bế sản dịch: khi cục máu đông trong tử cung không được đẩy ra ngoài, nó có thể tích tụ, dẫn đến đau bụng dữ dội, sốt cao và ra máu nhiều.
- Viêm nhiễm sau sinh: vi khuẩn xâm nhập vào tử cung hoặc âm đạo sau sinh có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa, dẫn đến ra máu, sốt cao, đau bụng và có mùi hôi tanh.
Dấu hiệu 2: Có cục máu đông lớn
Cục máu đông trong sản dịch là hiện tượng bình thường, thường xuất hiện trong những ngày đầu sau sinh. Tuy nhiên, nếu cục máu đông có kích thước lớn hơn 2cm, cứng và không tan, đây có thể là dấu hiệu của bể sản dịch hoặc sót nhau thai.
Điều này có thể gây tắc nghẽn mạch máu, nhiễm trùng và cần được kiểm tra và xử lý ngay lập tức bởi vì cục máu đông có thể di chuyển đến các mạch máu khác trong cơ thể, gây ra những biến chứng nghiêm trọng như tắc nghẽn phổi.
Dấu hiệu 3: Có mùi hôi tanh
Khi sản dịch sau sinh có mùi hôi, có thể đây là dấu hiệu của nhiễm trùng tử cung hoặc do sót lại nhau thai. Mùi hôi tanh khó chịu này khác với mùi tanh nhẹ của sản dịch bình thường và có thể xuất hiện từ âm đạo hoặc từ dịch tiết ra ngoài. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể lan rộng, gây suy đa cơ quan và thậm chí đe dọa tính mạng của sản phụ.
Dấu hiệu 4: Sốt cao và ớn lạnh
Sốt cao và ớn lạnh kèm theo chảy máu đỏ tươi là dấu hiệu của nhiễm trùng nghiêm trọng. Nếu nhiệt độ cơ thể vượt quá 38 độ C và không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt, sản phụ có thể đang bị nhiễm trùng tử cung hoặc viêm tắc tĩnh mạch.
Các triệu chứng kèm theo có thể bao gồm lạnh run, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, và cảm giác ớn lạnh. Tình trạng này rất nguy hiểm, có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng nếu không được điều trị kịp thời. Sốt cao sau sinh không nên xem nhẹ, và sản phụ cần đi khám bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Dấu hiệu 5: Đau bụng dưới dữ dội
Đau bụng dưới dữ dội, liên tục không giảm sau khi dùng thuốc giảm đau thông thường là một dấu hiệu đáng lo ngại. Cơn đau có thể lan ra các vị trí khác như lưng và hông, làm cho sản phụ cảm thấy rất khó chịu và mệt mỏi.
Việc thăm khám bác sĩ kịp thời để xác định nguyên nhân và điều trị là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe của sản phụ và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như vỡ tử cung hoặc nhiễm trùng lan rộng.
Chat để được chuyên gia tư vấn trực tiếp!
Nên làm gì khi chưa hết sản dịch lại ra máu tươi?
Khi xuất hiện những trường hợp như ra máu đỏ tươi sau sinh 1 tháng, chưa hết sản dịch lại ra máu tươi hoặc sản dịch hết rồi lại ra,…chị em nên thăm khám và nghe tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt, nếu sản dịch có dấu hiệu bất thường, việc thăm khám cần tiến hành ngay lập tức.
Ngoài ra khi gặp phải tình trạng chưa hết sản dịch lại ra máu tươi, chị em không nên quá chủ quan vì đây có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Bên cạnh việc thăm khám thì dưới đây là một số điều bạn nên làm khi gặp tình trạng này:
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ là bước quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng. Bạn nên thay băng vệ sinh thường xuyên, khoảng 2-4 tiếng/lần, và sử dụng loại băng vệ sinh thấm hút tốt.
- Rửa tay thật kỹ trước và sau khi vệ sinh vùng kín để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
- Vệ sinh vùng kín bằng nước ấm và dung dịch vệ sinh phụ nữ chuyên dụng sau mỗi lần đi vệ sinh.
- Tránh sử dụng các dung dịch vệ sinh có hương liệu mạnh hoặc chất tẩy rửa mạnh. Ngoài ra, hãy thay quần lót thường xuyên và chọn chất liệu cotton mềm mại, thoáng khí.
- Hãy đảm bảo ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm và tránh tham gia các hoạt động đòi hỏi phải vận động với cường độ cao. Vẫn nên duy trì tập thể dục, nhưng với một mức độ nhẹ nhàng, vừa phải, phù hợp với sức khỏe người phụ nữ vừa sinh xong.
Đọc thêm: Sau sinh kinh nguyệt không đều: Nguyên nhân và giải pháp
Cách phòng ngừa tình trạng chưa hết sản dịch lại ra máu tươi
Để hạn chế tình trạng chưa hết sản dịch lại ra máu tươi sau sinh, thai phụ có thể tham khảo một số lời khuyên sau đây:
- Tham gia các lớp học tiền sản để hiểu về quá trình sinh nở và cách chăm sóc sau sinh.
- Tham gia các buổi khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi sức khỏe thai nhi và tuân thủ các chỉ dẫn về chế độ dinh dưỡng, cách vận động và nghỉ ngơi trong thai kỳ.
- Nên sinh con tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế đáng tin cậy, nơi có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại để bảo đảm cho cả hai mẹ con. Đồng thời tuân thủ theo các hướng dẫn của các bác sĩ và nhân viên y tế sau khi sinh.
- Duy trì vệ sinh sạch sẽ và nghỉ ngơi hợp lý như đã hướng dẫn ở trên để bảo vệ sức khỏe sau sinh.
- Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và đi khám thai sau sinh theo lịch hẹn để đảm bảo sự hồi phục tốt nhất.
- Luôn giữ tinh thần lạc quan và tin tưởng vào sự phục hồi của bản thân sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng hơn.
Đọc thêm: Bà đẻ ăn gì để nhiều sữa, uống gì để nhiều sữa?
Hỏi đáp về vấn đề chưa hết sản dịch lại ra máu tươi
Q1. Tại sao tôi lại bị ra máu tươi sau khi đã hết sản dịch?
Chảy máu tươi sau khi hết sản dịch có thể do nhiều nguyên nhân như kinh non sau sinh, tổn thương tử cung, nhiễm trùng tử cung hoặc sót nhau thai. Cần bác sĩ kiểm tra để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Q2. Khi nào tôi nên lo lắng về việc chảy máu tươi sau sinh?
Nếu thấy máu đỏ tươi kéo dài, xuất hiện cục máu đông lớn, máu có mùi hôi tanh, hoặc kèm theo sốt cao và đau bụng dữ dội, bạn cần đi khám ngay. Các dấu hiệu này có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc sót nhau thai và cần đi khám bác sĩ ngay.
Q3. Tôi nên làm gì khi phát hiện mình bị ra máu tươi sau sinh?
Nếu phát hiện ra máu tươi sau sinh, hãy giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ và thay băng vệ sinh thường xuyên, nghỉ ngơi đầy đủ và tránh vận động mạnh, uống nhiều nước và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ghi chép lại lượng và màu sắc của sản dịch, và đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu có dấu hiệu bất thường.
Đọc thêm: Sau sinh nên ăn trái cây gì? Những lưu ý về dinh dưỡng sau sinh
Như vậy chị em đã cùng TIANYIAI tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh khi gặp phải hiện tượng chưa hết sản dịch lại ra máu tươi thường gặp ở mẹ sau sinh. Hy vọng những thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích và giúp cho các mẹ vượt qua giai đoạn sau sinh dễ dàng hơn!